Chăm sóc trẻ bị thủy đậu

March 22, 2021

 Mùa xuân là thời gian bệnh thủy đậu phát triển mạnh và dễ bùng lên thành dịch. Virus thủy đậu lây nhiễm thông qua các giọt nước bọt bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc trong các bóng nước trên da bị vỡ khi gãi. Phụ nữ mang thai khi bị nhiễm virus thủy đậu có thể truyền bệnh sang cho con.
Triệu chứng khi mắc bệnh thủy đậu bao gồm: sốt, đau nhức người, nổi bóng nước rải rác trên thân mình và tay chân, bóng nước có thể bị nhiễm trùng và hóa mủ. Một đợt bệnh thường kéo dài 5 – 10 ngày, có thể gây biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não do thủy đậu.
Chăm sóc trẻ khi mắc bệnh thủy đậu:
  • Cách ly trẻ tại nhà, trước và sau khi chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch.
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng, mỏng, thoáng, cắt ngắn móng tay, tắm rửa thường xuyên.
  • Phòng của trẻ cần thoáng khí, mát mẻ.
  • Cho trẻ ăn các loại thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu, tăng cường uống nước.
  • Sử dụng thuốc uống và thuốc bôi theo toa và hướng dẫn của bác sỹ.
  • Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi ghi nhận những bất thường: sốt cao, mụn mủ ở da nhiều, thở khó, nôn ói nhiều, lừ đừ, ăn uống kém, co giật, lơ mơ…
Bệnh thủy đậu có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vaccine thủy đậu theo đúng lịch tiêm dành cho từng lứa tuổi:
  • Trẻ 12 tháng đến 12 tuổi: tiêm mũi đầu lúc 12 tháng tuổi, tiêm mũi nhắc lại sau 6 – 8 tuần hoặc lúc trẻ 4 – 6 tuổi.
Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: tiêm 2 liều cách nhau 6 tuần.



--------------------------
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hường – Khoa nhi
Phòng khám Columbia Asia Sài Gòn