Những điều cần biết khi trẻ uống nhầm xăng/dầu lửa và hóa chất bay hơi

October 28, 2021

Cần phải làm gì khi trẻ uống nhầm xăng/dầu lửa? Có người bảo là nên vắt chanh vào miệng hay cố làm cho trẻ nôn ra … Tuy nhiên, đó không phải cách làm đúng, mà còn làm trẻ nặng thêm.

Mới đây, Columbia Asia Bình Dương tiếp nhận cấp cứu bé trai NVH  25 tháng tuổi đã uống nhầm dầu lửa. Theo Mẹ của bé cho biết, khoảng 30 phút trước khi nhập viện, bé đã uống khoảng 10ml dầu để trong chai nước suối, bé phun ra và đổ ra áo một lượng không rõ, không nôn ói, ho sặc lúc uống. Người nhà lập tức cho bé uống nước chanh và đưa bé đến bệnh viện.
Bé nhập viện trong tình trạng hơi thở và miệng nồng nặc mùi dầu lửa. Qua kiểm tra và thăm khám, Bác sĩ đánh giá bé bắt đầu xuất hiện tình trạng lừ đừ, buồn ngủ, tính linh hoạt giảm, bé không sốt, thở 45-50 lần/phút, mạch 100 lần/Phút, spo2: 95%. 
Bé được chỉ định nhập viện để theo dõi. Kết quả xét nghiệm: Bạch cầu trong máu tăng, chỉ số CRP tăng,  x-quang phổi cho thấy bị tổn thương viêm.  Bé được Bác sĩ điều trị cho thở oxy, kháng sinh và theo dõi sát tri giác, hô hấp. Sức khỏe bé ổn định và được xuất viện sau 1 tuần điều trị.

*Nguy hiểm khi uống nhầm xăng/dầu lửa
- Uống nhầm xăng/dầu lửa là ngộ độc chất hydrocarbon có trong xăng/dầu lửa, dầu bóng, paraffin. Xăng dầu là hóa chất bay hơi, nên hấp thu kém qua đường tiêu hóa, chủ yếu biểu hiện là hít hoặc hít chất nôn ói vào phổi.
- Trẻ uống trên 10gr xăng dầu sẽ có nguy cơ bị ngộ độc nặng.  
- Ngộ độc do hít hoặc uống, thường gặp trẻ 1-3 tuổi                       
                         
1. NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM KHI PHÁT HIỆN TRẺ UỐNG XĂNG/ DẦU LỬA:
- Khi phát hiện trẻ đang uống xăng/dầu lửa, người nhà nên bình tĩnh không la toáng, không nên vội hất mạnh chai nước  vì như thế trẻ sẽ giật mình, khóc thét dẫn đến hít sặc.
- Không cố móc họng để nôn ói chất độc ra khỏi cơ thể: khiến hơi xăng dầu có cơ hội xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp cũng như sặc chất ói vào đường thở.
- Không uống chanh hay nặn chanh: nó không có tác dụng gì, chanh làm kích thích dạ dày khiến trẻ dễ nôn ói, gây hít sặc viêm phổi hít và làm chậm trễ việc cấp cứu
-  Dùng chai từng đựng nước uống để đựng xăng dầu, hóa chất:  những chai nước suối, nước ngọt, trà xanh… trẻ sẽ làm trẻ lầm tưởng đó là nước uống, trẻ sẽ uống và rất nguy hiểm.
 
2. VIỆC NÊN LÀM NGAY
  • Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được Bác sĩ khám và nhập viện theo dõi điều trị.
  • Nếu chưa rõ trẻ uống nhầm hóa chất gì: Không làm gì cả, nhất là khi không biết nó là chất có bay hơi hay không, … Nên lưu ý cả những hóa chất mà mọi người hay tưởng là "nhẹ" như xà bông hay dấm, cũng phải đưa trẻ đi viện, bởi uống trực tiếp như thế, dù nó chỉ đi vào đường tiêu hóa vẫn có thể ăn mòn, gây viêm loét cần điều trị.
  • Để xăng/dầu lửa, hóa chất xa tầm tay trẻ.
 -----------------------------
Bs CKI Trần Thị Trúc Anh – Khoa Nhi
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương