Rung nhĩ là gì?

April 27, 2021

Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim không đều và thường nhanh, làm tăng nguy cơ biến chứng đặc biệt là suy tim và đột quỵ.
 
Khi hoạt động của tâm nhĩ bị rối loạn, dòng máu có thể bị ứ ở tim, hình thành nên cục máu đông. Huyết khối này sau đó sẽ theo dòng máu đên các cơ quan khác trong cơ thể và gây tắc mạch. Tắc mạch ở não do rung nhĩ có thể gây đột quỵ nặng, nguy cơ tàn phế cao.
 
1. TRIỆU CHỨNG
 Người bệnh rung nhĩ có thể có những dấu hiệu như:
 
- Đánh trống ngực (tim đập nhanh thình thịch như khi đang chạy)
- Mệt mỏi, cơ thể yếu
- Khó khăn trong việc vận đông thể lực
- Lâng lâng
- Chóng mặt
- Khó thở
- Đau, tức ngực
 
Đôi khi rung nhĩ không gây ra triệu chứng, Bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện mắc bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ.
 
2. PHÂN LOẠI RUNG NHĨ

Về sơ bộ, rung nhĩ có thể phân thành 2 dạng là rung nhĩ cấp tính (rung nhĩ cơn) và rung nhĩ mạn tính (dai dẳng, vĩnh viễn)

  • Rung nhĩ cấp tính: kéo dài trong vài phút tới vài giờ. Cơn rung nhĩ này có thể tự biến mất hoặc có khả năng trở về nhịp xoang (tình trạng nhịp tim bình thường) sau khi được điều trị bằng thuốc hoặc sốc điện
  • Rung nhĩ mạn tính: khả năng hồi phục nhịp xoang rất thấp. Trong trường hợp này, Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống để giúp Bệnh nhân kiểm soát được nhịp tim (tần số) và ngăn ngừa việc hình thành cục máu đông.  








3. NGUYÊN NHÂN GÂY RUNG NHĨ
Những bất thường gây tổn thương cấu trúc của tim là nguyên nhân gây rung nhĩ bao gồm:
- Cao huyết áp
- Bệnh mạch vành
- Bệnh van tim
- Dị tật tim bẩm sinh
- Cường giáp
- Sử dụng chất kích thích (caffein, thuốc lá, rượu…)
- Viêm xoang
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
- Tiền sử phẫu thuật tim
- Nhiễm virus
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Béo phì
- Di truyền
 
Những người có người thân mắc rung nhĩ hoặc béo phì cũng có khả năng cao bị rung nhĩ.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân rung nhĩ không có bất kỳ bệnh lý hoặc tổn thương nào về tim, được gọi là rung nhĩ đơn độc.
 
4. PHÒNG NGỪA RUNG NHĨ
Để giảm nguy cơ mắc rung nhĩ bạn cần duy trì
- Chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
- Tăng cường hoạt động thể chất
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Không hút thuốc, hạn chế uống caffe và rượu
- Giảm căng thẳng, vì căng thẳng và tức giận dữ dội có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim
- Thận trọng khi sử dụng thuốc không kê đơn vì một số thuốc cảm và ho có chứa chất kích thích có thể gây ra rối loạn nhịp tim.
 
5. ĐIỀU TRỊ RUNG NHĨ
Mục đích của điều trị rung nhĩ là giúp nhịp tim trở về bình thường và ngăn ngừa rủi ro hình thành cục máu đông. Việc điều trị sẽ dựa vào nhiều yếu tố như thời gian mắc rung nhĩ, và tình trạng bệnh lý đi kèm
 
A.Điều trị không phẫu thuật:

Bước 1. Thiết lập lại nhịp tim
  •  Sốc điện (khử rung): Cú sốc làm ngừng hoạt động điện của tim bạn trong một thời gian ngắn để thiết lập lại nhịp tim bình thường của bạn.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim: giúp khôi phục nhịp xoang bình thường bằng cách uống hoặc truyền qua đường tĩnh mạch tùy vào tình trạng tim
  • Thuốc chống đông: giúp giảm nguy cơ hình thành huyết khối và đột quỵ. Nếu cơn rung nhĩ kéo dài hơn 48 giờ, người bệnh sẽ cần dùng loại thuốc này ít nhất một tháng sau thủ thuật để ngăn ngừa cục máu đông trong tim.
 Bước 2. Duy trì nhịp tim bình thường
Sau khi, thiết lập lại nhịp tim thì Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống loạn nhịp tim để giúp ngăn ngừa các đợt rung nhĩ trong tương lai.
Việc dùng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi... người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi
 
B. Điều trị can thiệp hoặc phẫu thuật 
Khi thuốc hoặc phương pháp trợ tim để kiểm soát rung nhĩ không có tác dụng. Trong những trường hợp đó, bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật để phá hủy vùng mô tim gây ra tín hiệu điện thất thường và khôi phục lại nhịp tim của bạn về nhịp bình thường. Các tùy chọn này có thể bao gồm:
 
  • Cắt đốt qua ống thông: cho hiệu quả tức thì và nhanh chóng, người bệnh hồi phục nhanh với thời gian nằm viện ngắn.
  • Thủ thuật maze: được thực hiện kết hợp trong cuộc mổ tim nếu người bệnh có những bệnh lý khác ở tim cần sửa chữa. 
  • Cắt đốt nút nhĩ thất (AV). Được thực hiện khi việc kiểm soát tần số tim bằng thuốc hoặc các phương pháp khác không thành công, người bệnh sẽ cần cấy máy tạo nhịp tim  sau thủ thuật này.
Nhờ sự tiến bộ trong việc phát triển thuốc chống loạn nhịp và các phương pháp điều trị kỹ thuật cao, phần lớn bệnh nhân rung nhĩ có cuộc sống gần như bình thường. Bạn cần tuân thủ tốt việc uống thuốc điều trị, duy trì lối sống lành mạnh và tái khám định kỳ để theo dõi sát việc điều trị và kiểm soát tối ưu tình trạng bệnh.

-------------------------
Đơn vị Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương
Với đội ngũ bác sĩ tim mạch Columbia có nhiều năm kinh nghiệm đã can thiệp thành công trên 1.000 ca giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn đáng tin cậy để điều trị bệnh lý tim mạch tại bệnh viện
Đặc biệt, với hệ thống máy chụp mach vành hiện đại đã giúp các bác sĩ chẩn đoán và cứu chữa kịp thời những ca bệnh lý nguy hiểm như tắc nghẽn mạch máu, nhồi máu cơ tim, hở van tim…