SỐC SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE DỄ XẢY RA VỚI AI

July 14, 2022

Thời điểm hiện nay đang là cao điểm của dịch Sốt xuất huyết Dengue (SXH) ở nước ta, đặc biệt  ở khu vực miền Nam, số ca mắc SXH đang gia tăng mạnh và nguy cơ bệnh trở nặng nhanh. Do đó nếu biết rõ về bệnh SXH, các dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn và gia đình phòng bệnh tốt hơn.
 

1. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT:
Triệu chứng của bệnh SXH dễ nhầm với một số virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Những dấu hiệu của SXH thường kéo dài khoảng từ 2 đến 7 ngày. SXH thường gây sốt và có ít nhất hai trong số các triệu chứng sau:
  1. Nhức đầu kèm theo đau sau hốc mắt
  2. Đau cơ
  3. Buồn nôn, nôn mửa
  4. Cảm giác ớn lạnh
  5. Phát ban
Năm nay, diễn tiến bệnh rất phức tạp, nhiều ca đã chuyển biến nặng ngay từ những ngày đầu. Do đó nếu có hai trong những dấu hiệu trên, bệnh nhân  nên đến bệnh viện hay cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán sớm.


2. DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH SXH NẶNG:
  • Mệt lừ đừ
  • Đau bụng (vùng gan)
  • Nôn nhiều, nôn ra máu
  • Chảy máu chân răng/ Chảy máu cam
  • Xuất huyết dưới da
  • Đi cầu ra máu
  • Tay chân lạnh
Nếu có một trong những dấu hiệu trên cho thấy bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay để được Bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời tránh bị sốc. Bệnh nhân cũng cần lưu ý, biến chứng nguy hiểm của SXH thường xảy ra vào ngày thứ 3 – 7, ngay cả khi hết sốt hay còn sốt nhẹ.
 
3. BỐN NHÓM NGƯỜI DỄ BỊ SXH DỄ TRỞ NẶNG (SỐC): trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai,  người thừa cân.
  • TRẺ EM
Trẻ dễ bị biến chứng nặng như suy đa tạng, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh, nên  khó chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Hơn nữa trẻ hay mắc bệnh lý tiêu hóa, hô hấp (như nôn ói, tiêu chảy hay ho, sổ mũi...). Do đó cha mẹ cần quan sát theo dõi sát sao khi trẻ bị sốt.
 
  • NGƯỜI CÓ BỆNH NỀN
Những bệnh nhân có dùng thuốc kháng đông máu, có tiền căn viêm dạ dày tá tràng, có bệnh lý về huyết học .. khi mắc SXH dễ bị rối loạn đông máu, nguy cơ chảy máu cao hơn. Đặc biệt những người đã có vết loét do xuất huyết tiêu hóa có khả năng bị tái chảy máu ồ ạt  tại chính vị trí loét đó.

Bệnh nhân cần được cấp cứu, cầm máu  kịp thời. Nếu không, dễ dẫn đến sốc, mất máu, suy đa tạng và tử vong
 
  • PHỤ NỮ MANG THAI
Sốt xuất huyết ở phụ nữ có thai khó chẩn đoán hơn người bình thường và rất nguy hiểm nếu như để bị sốc sẽ ảnh hưởng đến Mẹ và con. Do đó khi thấy xuất hiện những triệu chứng nghi nghờ như sốt, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, đau cơ, đau khớp,.. nên chủ động đến bệnh viện để được Bác sĩ theo dõi và điều trị,  tránh tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.
 
  • NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ
Thông thường, Bác sĩ  sẽ dựa vào cân nặng, chiều cao, giới tính của bệnh nhân để hiệu chỉnh lượng dịch truyền phù hợp. Nhóm bệnh nhân này gặp khó khăn nhất trong điều trị sốc SXH là không thể truyền bù lượng dịch theo trọng lượng cơ thể hiện tại.
 
4. BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
  • Diệt lăng quăng bằng cách vệ sinh vùng nước đọng quanh nhà
  • Tránh muỗi đốt
  • Tăng cường sức đề kháng cơ thể: ăn nhiều rau xanh, dinh dưỡng đầy đủ và tập thể dục
Trên thế giới, SXH vẫn chưa có vaccine ngừa bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Để ngăn ngừa biến chứng nặng, trong thời điểm hiện nay, khi đột ngột sốt cao 2 ngày, người bệnh cần nghĩ ngay đến SXH  và đến khám ở bệnh viện để được chẩn đoán và có chỉ định điều trị phù hợp. KHÔNG TỰ Ý ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ

--------------------------------------
KHOA NỘICOLUMBIA ASIA BÌNH DƯƠNG