CỨU NGUY KỊP THỜI ĐÔI MẮT CHO THIÊN THẦN NHỎ.

January 06, 2024

Câu chuyện đến vào một ngày cô gái nhỏ tên Sam 2 tuổi bị đau và sưng đỏ mắt bên trái. Mẹ cho bé đi khám Bác sĩ và đã điều trị bằng kháng sinh nhưng mắt bé không giảm sưng mà ngày càng phù nề nặng hơn, kèm theo sốt cao liên tục. Lo sợ và sốt ruột, Mẹ quyết định đưa bé đến Bv Columbia Asia Bình Dương  thăm khám. Bs Thái Hằng- chuyên khoa Nhi- đánh giá đây không chỉ là bệnh lý vùng mắt đơn thuần, mà còn là tình trạng Áp xe mô mềm quanh vùng mắt bên trái với 1 khối viêm sưng tấy đỏ, có hiện tượng tụ dịch mủ kèm xuất huyết da làm bé quấy khóc không ngừng vì đau. Đồng thời mắt bên trái tiết dịch vàng, có màng giả mạc quanh mắt, khiến bé không thể mở mắt, và có xu hướng lan rộng qua mắt bên phải.
 
Nhận định đây là bệnh lý nhiễm trùng đang diễn tiến nặng và phức tạp, vì ổ áp xe ở vị trí cạnh vùng " Tam giác tử thần" ( Danger triangle of the face ). “Tam giác tử thần"- vùng nối sống mũi với 2 bên khóe miệng, là vùng đặc biệt nguy hiểm trên khuôn mặt. Khu vực này có hệ tĩnh mạch thông nối mạch máu ở xoang mặt và sọ não giúp vận chuyển máu đến não. Điều khác biệt là đa số các tĩnh mạch trong cơ thể đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này là loại không van. Chính vì vậy, nếu khu vực quanh vùng " Tam giác tử thần" bị viêm nhiễm ( đặc biệt do những chủng vi khuần độc lực mạnh và kháng thuốc Staphylococcus aureus MRSA, Streptococcus's ) sẽ gây ra biến chứng rất nặng nề và nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến: 
  • Áp xe chèn ép hốc mắt, viêm mô bào trước vách và hốc mắt --> nguy cơ suy giảm thị lực nặng nề. 
  • Nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan
  • Tổn thương não: viêm não- màng não, áp xe não. 
Bác sĩ nhanh chóng cho bé nhập viện để lên kế hoạch can thiệp khẩn. Với nhiều kinh nghiệm điều trị các bệnh lý nhiễm trùng nặng, các Bác sĩ đã chọn sử dụng phác đồ kháng sinh phổ rộng phối hợp đặc trị, thuốc giảm đau giảm sưng viêm, làm các xét nghiệm đánh giá nhiễm trùng, đồng thời bé được hội chẩn lập tức đa chuyên khoa: khoa Mắt, khoa Chẩn đoán hình ảnh để cùng lên kế hoạch điều trị tích cực: sử dụng thuốc kháng sinh nhỏ mắt giúp giảm tình trạng nhiễm trùng nặng vùng mắt, bóc tách giả mạc vùng mắt, siêu âm đánh giá tình trạng ổ áp xe thường xuyên. 
    
  Bé Sam  trước và sau khi điều trị đã hồi phục hoàn toàn
 
Sau 3 ngày điều trị và theo dõi sát sao, vùng áp xe được kiểm soát, giảm sưng viêm, bé mở mắt được cả 2 bên, tình trạng dịch mủ được cải thiện qua hình ảnh siêu âm. Cả Bác sĩ và gia đình như được thở phào vì đã qua được giai đoạn nguy hiểm. 

Sau 7 ngày sử dụng thuốc, bé khôi phục hơn 80%, cải thiện tốt tình trạng xuất huyết phù nề tụ mủ, bé giảm đau, chơi vui, sinh hoạt gần như bình thường, các chỉ số xet nghiệm đánh giá nhiễm trùng đều ổn định. 

Sau 10 ngày điều trị tại Khoa Nhi với phác đồ thuốc hiệu quả và được các cô điều dưỡng chăm sóc tận tình, bé Sam được xuất viện với khuôn mặt tươi tắn và đôi mắt sáng trong bình phục hoàn toàn. 
 
Niềm vui của gia đình bé làm động lực và đem lại hạnh phúc to lớn cho toàn khoa Nhi nói chung và các Bác sĩ Nhi nói riêng. Chính sự tin tưởng và trao niềm tin trọn vẹn của gia đình trong ca bệnh phức tạp đã giúp team Nhi hoàn thành tốt sứ mệnh được trao.

Bs. Thái Hằng chia sẻ thêm: để giúp con trẻ tránh nguy cơ nhiễm trùng trên khuôn mặt hay vùng “Tam giác tử thần", phụ huynh lưu ý những vết trầy xước, hoặc nốt sưng do côn trùng cắn trên mặt bé, nếu có,cần phải chăm sóc sạch sẽ, tránh để viêm nhiễm. Đồng thời nhắc trẻ rửa tay và vệ sinh tay đúng cách, không sờ tay lên mặt và mắt. Khi có bất thường cần đến bệnh viện để Bác sĩ thăm khám và đánh giá, điều trị sớm tránh biến chứng xảy ra. 

COLUMBIA ASIA BÌNH DƯƠNG- KHOA NHI