GIỮ AN TOÀN CHO TRẺ KHỎI MẮC BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

July 11, 2022
Đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM)  vẫn chưa có vắc-xin hoặc thuốc đặc hiệu để chống lại sự lây nhiễm bệnh TCM. Vì vậy, với tình hình dịch đang bùng phát như hiện nay việc giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay thường xuyên là rất quan trọng.
 

Bệnh TCM có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn, nhưng 90% các trường hợp chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
 
BỆNH TCM LÂY NHIỄM NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm do virus, thường do virus Coxsackie A16 và EV 71 gây ra.
  • Bệnh lây từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, phân hay các mụn nước vỡ của người bệnh.
  • Hoặc khi trẻ tiếp xúc với các đồ dùng hoặc bề mặt bi nhiễm virus  như khăn tắm, đồ chơi, muỗng, ly ..
Bệnh thường gặp với bé ở nhà trẻ, mẫu giáo hoặc nơi tập trung nhiều trẻ. Là do các bé còn nhỏ hay đưa tay vào miệng, tập đi vệ sinh, sử dụng chung các đồ chơi.
Bệnh rất dễ lây nhất là trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên, virus có thể tồn tại trong phân vài tuần.
 
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
  • Sốt: sốt nhẹ hoặc cao và thường kèm theo đau họng. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
  • Da rát đỏ, loét hoặc mụn nước thường xuất hiện ở các vị trí đặc biệt như quanh miệng, bên trong miệng hoặc họng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, má….
  • Vết loét và mụn nước thường tự khỏi trong 1 tuần hoặc lâu hơn
  • Trẻ có thể biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc..
  
CÁC DẤU HIỆU BỆNH NẶNG
  • Quấy khóc kéo dài, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ ( cứ 15-20 phút lại tỉnh giấc, quấy khóc). Đó là do tình trạng biến chứng thần kinh chứ không phải do các nốt đau miệng như cha mẹ thường nghĩ.
  • Sốt cao không hạ, trên 38,50C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc paracetamol.
  • Giật mình - đây là dấu hiệu của tình trạng biến chứng thần kinh. Cha Mẹ cần lưu ý và quan sát xem tần suất giật mình của trẻ có tăng theo thời gian hay không ngay cả khi trẻ đang chơi.
Những trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến tim mạch, hô hấp, hệ thần kinh. Cha mẹ cần đặc biệt theo dõi để sớm nhận ra các dấu hiệu cũng như triệu chứng của bệnh nặng để đưa trẻ đến Bác sĩ thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời tránh hậu quả đáng tiếc.
 
 CÁCH CHĂM SÓC BÉ KHI BỊ TCM
Trẻ mắc bệnh TCM thường ăn hoặc uống ít hơn bình thường vì loét miệng có thể gây đau, khó chịu cho trẻ, do đó phụ huynh nên :
  • Cho trẻ uống đủ nước và đều đặn. Khuyến khích cho trẻ uống lạnh hoặc thức ăn lỏng mát thường đem lại cảm giác dễ chịu, dễ dung nạp. 
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
  • Phụ huynh cần quan sát thói quen đi tiểu của bé: cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu trẻ không đi tiểu thường xuyên (tức là hơn 4 giờ bé mới tiểu 1 lần) hoặc nếu nước tiểu có vẻ cô đặc và/ hoặc lượng nước tiểu ít hơn một nửa so với bình thường.
 BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
  • Giảm tiếp xúc giữa người với người và tránh đám đông.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
  • Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi
  • Nếu nhà có một trẻ mắc bệnh TCM, cha mẹ phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay đúng cách và thường xuyên bằng xà bôn dưới vòi nước (cả người lớn và trẻ em) nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đồng thời không cho anh chị em dùng chung đồ dùng, thức ăn, thức uống , khăn tắm...
  • Không đưa đồ chơi hoặc các đồ dùng chung khác vào miệng.
  • Ăn đủ dinh dưỡng, ăn và uống chín
  • Thường xuyên được rửa sạch đồ chơi nên
  • Theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện sớm và cho cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây cho trẻ khác.
  • Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh và đưa trẻ đến Bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
---------------------------------------------
Khoa Nhi - COLUMBIA ASIA VIETNAM
Chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ từ sơ sinh đến tuổi vị thành niên với Bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại