Hội chứng đau khuỷu tay Tennis - Elbow's tennis

July 25, 2021

Đau khuỷu tay elbow’s tennis là tình trạng viêm hoặc rách của các gân cơ co duỗi tại chỗ bám vào xương lồi cầu phía ngoài của khuỷu tay, gây đau nhức và làm hạn chế các hoạt động bình thường khuỷu tay của bạn.
Bất chấp tên gọi của nó, bạn vẫn có thể bị đau khuỷu tay tennis ngay cả khi bạn chưa bao giờ đến gần sân tennis!

I. TRIỆU CHỨNG 
Các triệu chứng tiến triển theo thời gian. Thường cơn đau bắt đầu nhẹ và từ từ trở nặng hơn sau nhiều tuần. Thường không có chấn thương đặc hiệu liên quan các triệu chứng.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của đau khuỷu tay tennis:
  • Đau hoặc rát ở vùng phía ngoài khuỷu tay
  • Đau khi xách vật nặng hoặc tăng sức căng cẳng bàn tay
  • Đôi khi, đau vào ban đêm
Nếu nặng hơn, đau thường xuyên kể cả lúc không chơi thể thao, không làm việc, đau khi xách vật nặng hoặc khi lái xe máy... Cánh tay thuận của bạn thường bị ảnh hưởng nhất; tuy nhiên, cả hai cánh tay đều có thể bị ảnh hưởng.
 
II. KHI NÀO ĐẾN GẶP BÁC SĨ
Nếu các bước tự chăm sóc như nghỉ ngơi, chườm đá và sử dụng thuốc giảm đau (không kê đơn) vẫn không làm dịu cơn đau khuỷu tay của bạn.

III. NGUYÊN NHÂN
Là do cơ duỗi vùng khuỷu bị suy yếu khi bạn vận động quá mức và được lặp đi lặp lại, nơi bám của các cơ chịu lực căng –kéo quá sức gây ra các vi chấn thương, lâu ngày dẫn đến viêm hoặc rách của các gân co duỗi tại chỗ bám vào xương lồi cầu phía ngoài của khuỷu tay. 
  • Nghề nghiệp: như thợ sơn, thợ mộc, đầu bếp và ngay cả những người bán thịt hay chặt thịt thường dễ bị hơn.
  • Không xác định: có thể xảy ra mà không có bất kỳ chấn thương lặp đi lặp lại nào được công nhận. Sự xuất hiện này được gọi là "vô căn" hoặc không rõ nguyên nhân
  • Tuổi tác: mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị, nhưng nó phổ biến nhất ở độ tuổi từ 30 đến 50.
 
IV. CHẨN ĐOÁN
Trong quá trình khám lâm sàng, Bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố như: triệu chứng, rủi ro nghề nghiệp và các môn thể thao giải trí.
Bác sĩ sẽ có những bài kiểm tra khác nhau để xác định chẩn đoán chính xác. Ví dụ như tạo áp lực lên vùng bị ảnh hưởng hoặc yêu cầu bạn cử động khuỷu tay, cổ tay và các ngón tay theo nhiều cách khác nhau. Bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang hoặc MRI, điện cơ nếu nghi ngờ điều gì khác có thể gây ra các triệu chứng.

V. ĐIỀU TRỊ
Đau khuỷu tay tennis có thể tự hết. Nhưng nếu thuốc giảm đau (không kê đơn) và các biện pháp tự chăm sóc khác không hữu ích, bạn nên đến chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám và chữa trị kịp thời.

1. Không phẫu thuật:
Khoảng 80% đến 95% bệnh nhân thành công với điều trị không phẫu thuật.
  • Nghỉ ngơi: bạn sẽ phải ngừng hoặc giảm công việc hiện tại hay hoạt động thể thao để cơ có thời gian hồi phục.
  • Chườm đá 10 - 15 phút, có thể làm 4 - 5 lần/ngày
  • Thuốc uống: có thể dùng Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm (như Ibuprofen) để giúp giảm đau và sưng, thuốc giãn cơ.
  • Vật lý trị liệu. Các bài tập tăng cường cơ bắp của cẳng tay; siêu âm, mát-xa bằng đá hoặc kích thích cơ để cải thiện quá trình chữa lành cơ.
  • Dây đeo căng tay: để nẹp cẳng tay, hỗ trợ cho cơ và gân nghỉ ngơi.
  • Tiêm thuốc chống viêm steroid tại chỗ
  • Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
  • Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể
  • Kiểm tra các dụng cụ chơi thể thao như vợt xem có phù hợp chưa
*Lưu ý: Không nên xoa bóp với các loại dầu nóng, thuốc xoa bóp, hoặc đi nắn sửa không đúng sẽ gây viêm mạn tính tại chỗ, rất khó điều trị sau này.

2. Điều trị phẫu thuật
 
Nếu các triệu chứng của bạn không đáp ứng sau 6 tháng điều trị không phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
 
Sau khi hồi phục, nên chơi thể thao với lượng thời gian từ từ tăng dần, từng bước hồi phục lại khả năng tập luyện và không chơi quá sức.

------------------------------
BS CKI Cao Lạc Khang - Chuyên khoa Chấn thương - Chỉnh hình
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương