Sa tạng chậu - căn bệnh "khó nói" của phái nữ

September 24, 2021
Sa tạng chậu là khi 1 hoặc nhiều cơ quan trong vùng chậu (tử cung, bàng quang, trực tràng)  bị trượt xuống khỏi vị trí bình thường và phình ra thành âm đạo, do cấu trúc cơ và dây chằng của vùng chậu bị suy yếu hoặc tổn thương và không giữ cố định các cơ quan vùng chậu.
 
Sa tạng chậu là căn bệnh phổ biển ở phụ nữ, tuy không nguy hiểm, nhưng nó có thể gây đau và khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây là căn bệnh khó nói, các chị em thường mang tâm lý mặc cảm, nên thường cố chịu đựng, không đến Bác sĩ thăm khám. Chính điều này đánh mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
 
1. Nguyên nhân nào gây ra bệnh sa cơ quan vùng chậu?
Bất cứ điều gì làm tăng áp lực trong ổ bụng đều có thể dẫn đến sa cơ quan vùng chậu. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
  • Mang thai, sinh nhiều con   (những nguyên nhân phổ biến nhất)
  • Béo phì
  • Phụ nữ lớn tuổi, tuổi mãn kinh
  • Táo bón kinh niên
  • Làm các công việc nặng nhọc, gắng sức
  • Hút thuốc lá
  • Tiền căn: từng phẫu thuật vùng chậu
Di truyền cũng có thể đóng một vai trò trong việc sa cơ quan vùng chậu. Các mô liên kết có thể yếu hơn ở một số phụ nữ, có lẽ khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn.
 
2. Các triệu chứng của sa tạng chậu
  • Khó nhận biết triệu chứng: mức độ sa nhẹ - các tạng sa vẫn nằm trong âm đạo, chưa nhô ra ngoài.
  • Khi khối sa tạng chậu vượt ra ngoài âm đạo, có những triệu chứng kích thích khác làm dễ nhận biết như:
  • Các vấn đề về tiết niệu như: khó tiểu, tiểu không tự chủ, són tiểu, tiểu nhiều lần..
  • Rối loạn tiêu hóa: táo bón, són phân
  • Khó hoặc bị đau khi quan hệ tình dục
  • Viêm nhiễm vùng âm đạo
  • Cảm giác nặng nề hoặc áp lực bên trong âm đạo
  • Cảm giác sưng ở âm đạo, có khối u lồi ra bên ngoài âm đạo
  • Chảy máu, tăng tiết dịch âm đạo
3. Chẩn đoán bệnh sa tạng chậu
 
Thông thường, Bác sĩ có thể phát hiện ra tình trạng sa cơ quan vùng chậu khi khám phụ khoa định kỳ. Hoặc khi đến Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu thăm khám:
  • Khám lâm sàng
  • Chụp MRI hoặc chụp CT vùng chậu để thấy hình ảnh chi tiết cấu trúc sàn chậu và xác định vị trí giải phẫu các cơ quan vùng chậu
4. Phương pháp điều trị sa nội tạng vùng chậu:
Sa tạng chậu được chia làm 4 mức độ:
 
Mức độ 1 (nhẹ): Sa rất nhẹ - các cơ quan vẫn được nâng đỡ khá tốt bởi sàn chậu.
 
Mức độ 2 (nhẹ): Các cơ quan vùng chậu đã bắt đầu sa xuống, nhưng vẫn còn nằm trong âm đạo.
 
Mức độ 3 (nặng): Các cơ quan vùng chậu đã sa xuống hoặc vượt ra ngoài cửa âm đạo.
 
Mức độ 4 (nặng): Các cơ quan vùng chậu đã sa hẳn ra ngoài qua cửa âm đạo.
 
Điều trị sa cơ quan vùng chậu phụ thuộc vào mức độ của các triệu chứng. Điều trị có thể bao gồm nhiều liệu pháp, bao gồm:

Mức độ 1 và 2:
  • nhẹ, không triệu chứng: Chỉ cần theo dõi, không điều trị.
  • Nhẹ, có triệu chứng như rối loạn tiểu tiện, tiếu gấp; táo bón: có thể điều trị nội khoa,  thực hiện các bài tập sàn chậu như bài tập Kegel, để tăng cường cơ sàn chậu.
 Mức độ 3 và 4:
  • Dùng vòng nâng âm đạo pessary làm bằng silicone được đặt vào âm đạo, giúp đẩy tử cung và bàng quang lên. Phương pháp này thường dùng cho người người lớn tuổi, người không có sức khỏe không muốn phẫu thuật.
  • Phẫu thuật: dành cho người trẻ, có sức khỏe:
+ Phương pháp nâng đỡ thành âm đạo: khâu các cơ vùng đáy chậu làm chắc vùng đáy chậu
  • Đặt tấm lưới trong âm đạo nâng cơ bàng quang lên
  • Phẫu thuật cắt tử cung: được thực hiện qua đường âm đạo để cắt tử cung, chỉnh sửa âm đạo.
+ Phẫu thuật khâu hẹp âm đạo: đôi khi, phẫu thuật đóng một phần hoặc toàn bộ âm đạo có thể là một lựa chọn. Phương pháp điều trị này chỉ được áp dụng cho những phụ nữ bị sa giai đoạn nặng, khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng và họ chắc chắn rằng họ không muốn quan hệ tình dục nữa trong tương lai.
 
Bệnh sa tạng chậu có thể ngăn ngừa được không?
 
Ngoài những yếu tố nằm ngoài kiểm soát của bạn, như:
 
  • Bệnh sử gia đình
  • Tuổi cao
  • Một ca sinh khó qua đường âm đạo
  • Đã cắt bỏ tử cung 
Bạn có thể ngăn ngừa bằng cách:
  • Thực hiện các bài tập Kegel hàng ngày để duy trì sức mạnh cơ bắp tốt ở vùng xương chậu của bạn
  • Duy trì cân nặng hợp lý ( tránh béo phì)
  • Tránh táo bón
  • Không hút thuốc, vì hút thuốc có thể ảnh hưởng đến các mô và ho mãn tính thường thấy ở những người hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề
 
Nếu có gặp các triệu chứng Các chị em phụ nữ nên đến chuyên khoa Tiết Niệu - chuyên sâu bệnh lý sàn chậu để được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn đầu để có kết quả điều trị cao nhất và có cuộc sống tự tin.
 
------------------------
Chuyên khoa Tiết Niệu – Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương
Chuyên cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị sâu rộng, hiệu quả cho các vấn đề bệnh lý về niệu khoa với kỹ thuật mới và chuyên môn cao