Suy tim và các bệnh lý liên quan

November 12, 2020


Suy tim là một vấn đề về tim mạch hay gặp, có tỷ lệ mắc cao và có thể gây biến chứng cấp tính nguy hiểm. Tuy nhiên, suy tim có thể dự phòng được nếu nhận biết sớm các dấu hiệu và có phương án điều trị kịp thời.

Như trường hợp bà Lương Ngọc H. 64 tuổi có sức khỏe tốt từ trước. Tuy nhiên, trước khi nhập viện 1 tháng thì bệnh nhân bắt đầu thấy khó thở khi gắng sức, đi lại, thỉnh thoảng đau ngực nhẹ nhưng sau đó tự hết. Tình trạng khó thở này càng ngày càng nhiều hơn và nặng hơn, thậm chí khó thở cả khi nghỉ ngơi nên đã được cho nhập viện ngay khi đến khám tại bệnh viện Columbia Asia Bình Dương. Bệnh nhân khó thở khi nằm đầu thấp, không đau ngực, huyết áp cao 150/90mmHg và được chẩn đoán theo dõi suy tim cấp/tăng huyết áp. Kết quả chụp mạch vành hẹp 80% nhánh liên thất trước từ lỗ xuất phát đến đoạn giữa nên Bác sĩ đã chỉ định đặt stent động mạch vành.
Bác sĩ CKI. Trần Văn Thanh Phong – Đơn vị Tim mạch can thiệp, bệnh viện Columbia Asia Bình Dương chia sẻ: “Rất mừng khi bệnh nhân đã hết triệu chứng khó thở, sinh hoạt lại bình thường sau 1 tuần can thiệp. Hiện tại thì sức khỏe bệnh nhân đã bình phục và hoạt động sinh hoạt bình thường sau 5 tháng tái khám định kỳ tại bệnh viện.”
 
I. SUY TIM LÀ GÌ?

Bác sĩ Thanh Phong cho biết: “Suy tim là tình trạng bệnh lý do tim bị yếu đi và không thể hoàn thành được chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể một cách hiệu quả, khiến máu vận chuyển khắp cơ thể và qua tim chậm hơn so với người bình thường.”
Suy tim là một hội chứng lâm sàng, có căn nguyên là sự bất thường ở cấu trúc hoặc chức năng tim nên bệnh có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Trong đa số các trường hợp, suy tim là tình trạng giảm khả năng co bóp của quả tim dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, đồng thời gây ứ trệ nước tại các cơ quan nên được gọi là suy tim ứ huyết (ứ máu).
 
II. BỆNH SUY TIM CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Điều này được xác định bằng số lần nhập viện do các triệu chứng (biến chứng) như khó thở, ho, phù, mệt mỏi, kiệt sức. Bệnh nhân mất dần khả năng vận động, sinh hoạt, làm việc, dẫn đến chất lượng sống suy giảm, đe dọa tính mạng.
 

III. NGUYÊN NHÂN GÂY SUY TIM
  1. Bệnh động mạch vành: Là bệnh lý xảy ra khi động mạch cấp máu cho tim bị hẹp, do các mảng xơ vữa hoặc do sự co thắt mạch, dẫn đến tim bị thiếu oxy, gây đau thắt ngực, nặng hơn  là nhồi máu cơ tim. Các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, ngăn chặn sự lưu thông máu đến các tế bào cơ tim, làm tổn thương cơ tim và khu vực không được cấp máu đó sẽ không thể hoạt động bình thường, từ đó dẫn đến suy tim.
  2. Những bệnh lý mạn tính khiến tim hoạt động quá sức: Bao gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh van tim (hở hoặc hẹp van tim), bệnh tuyến giáp (như cường giáp), suy thận, đái tháo đường, hoặc các khiếm khuyết ở tim, đây đều có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tim. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc đồng thời các bệnh kể trên có nguy cơ mắc suy tim cao hơn.
 
IV. DẤU HIỆU CỦA SUY TIM

Thường có các biểu hiện sớm như mệt mỏi khó thở khi gắng sức, hay ho về đêm, đặc biệt làm việc nhanh mệt.

Triệu chứng khó thở
Cảm giác hụt hơi, thiếu không khí, ngột thở. Đây cũng thường là biểu hiện sớm nhất và là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đi khám bệnh.
Trong suy tim cấp thì khó thở xuất hiện đột ngột và nặng lên nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Còn trong suy tim mạn tính thì biểu hiện khó thở tùy thuộc vào mức độ tiến triển của suy tim.
Ban đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức như leo cầu thang, đi bộ một quãng đường dài, mang vác vật nặng hoặc khi sinh hoạt tình dục. Về sau khó thở thường xuyên hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi, thậm chí là khi ngủ làm cho bệnh nhân phải ngồi dậy để thở.  
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: phù chân, tăng cân, chóng mặt, nhịp tim nhanh…
 




V. CÁCH ĐIỀU TRỊ SUY TIM
  1. Điều trị nguyên nhân và yếu tố nguy cơ:
Kiểm soát các bệnh liên quan: tăng huyết áp, tiểu đường, COPD, hen...
Can thiệp mạch vành nếu nguyên nhân là do thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim
  1. Chế độ sinh hoạt phù hợp
Thật ra, điều trị không dùng thuốc chiếm vai trò khá quan trọng trong việc cải thiện tình trạng suy tim. Thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa tiến triển suy tim, giảm tỷ lệ nhập viện và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống:
  • Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ, yoga
  • Tránh làm việc gắng sức quá mức
  • Cai hút thuốc lá, không uống rượu
  • Kiểm soát căng thẳng, sống lạc quan vui vẻ
  • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải
  • Ăn uống lành mạnh: Không ăn mặn, bổ sung nhiều rau xanh, cá, ngũ cốc nguyên hạt, uống đủ nước
  • Hạn chế ăn nhiều cholesterol (trong mỡ động vật, các chế phẩm béo từ sữa)
  • Khám bệnh định kỳ hàng tháng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
 
Luôn giữ chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những cách giúp điều trị suy tim
  1. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Cần liên hệ hoặc đi khám bác sĩ nếu có các biểu hiện sau:
  • Tăng cân nhanh
  • Phù
  • Khó thở
  • Ngất, hồi hộp đánh trống ngực
  • Đau ngực hoặc nặng ngực
  • Mệt nhọc hoặc khó thở khi sinh hoạt tập luyện hằng ngày





------------------------
BS CKI. Trần Văn Thanh Phong - Đơn vị Tim mạch can thiệp
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương
 
Follow us for latest Health Tips:
Theo dõi chúng tôi để biết các Mẹo Sức khỏe mới nhất: