ĐIỀU GÌ GÂY RA CHỨNG ĐAU CỔ VÀ ĐAU ĐẦU CỦA TÔI?

March 13, 2023

Chỉ riêng việc bị đau cổ không thôi cũng đã đủ gây cho bệnh nhân khó khăn, và càng đặc biệt hơn nếu đau liên quan đến tình trạng cứng cổ và giảm khả năng vận động của đầu. Khi đau đầu xuất hiện cùng với các triệu khác như đau tăng lên, chứng rối loạn về thị giác, giảm tập trung, chóng mặt .. Bệnh nhân có thể than phiền rằng cơn đau bắt đầu ở vùng cổ rồi lan lên đầu hoặc ngược lại, khởi phát từ đầu rồi gây đau xuống cổ. Nhận biết được khởi nguồn cơn đau và chẩn đoàn chính xác là rất quan trọng để lập ra một kế hoạch điều trị nhằm kiểm soát tốt tình trạng này.

1. ĐAU ĐẦU DO VẤN ĐỀ Ở CỔ:
 Bệnh thường là mạn tính và có nhiều loại khác nhau, bao gồm 2 loại phổ biến:
  • Chứng đau đầu Cervicogenic(Cervicogenic headache (CGH) thường bắt đầu như một cơn đau âm ỉ ở cổ và toả ra dọc theo phía sau đầu, hầu như chỉ ảnh hưởng một bên. Cơn đau cũng có thể lan ra trán, thái dương và vùng quanh mắt và/hoặc tai. CGH được gây ra do bệnh lý của đĩa đệm, khớp, cơ hoặc dây thần kinh ở cổ.
  • Đau dây thần kinh chẩm (Occipital Neuralgia): được đặc trưng bởi cảm giác sắc nhọn, đau đớn, giống như điện giật ở phía sau đầu, cổ và tai. Cơn đau thường xảy ra ở một bên và bắt đầu ở phần trên cổ và lan lên đầu. Đau do dây thần kinh chẩm bị kích thích hoặc tổn thương.

* Đau đầu như CGH do một nguyên nhân cơ bản khác được gọi là đau đầu thứ phát. Đau đầu không liên quan đến một tình trạng tiềm ẩn khác được gọi là đau đầu nguyên phát.

2. ĐAU ĐẦU CÓ THỂ GÂY ĐAU CỔ:
  • Đau đầu căng cơ (Tension headache): là một loại đau đầu phổ biến, được đặc trưng bởi cơn đau không đau nhói mức độ trung bình đến nặng ở vùng trán, da đầu và cổ, xảy ra khi các cơ ở da đầu và cổ trở nên căng thẳng, chẳng hạn như do căng thẳng, sợ hãi và/hoặc cảm xúc.
  • Đau đầu vận mạch (Migraine headache): là chứng đau đầu tái phát, gây đau nhói ở một bên đầu từ trung bình đến dữ dội. Các triệu chứng khác có thể bao gồm buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng và/hoặc âm thanh. Đau cổ liên quan đến chứng đau nửa đầu là phổ biến và có thể bắt đầu trước cơn đau nửa đầu hoặc xảy ra trong cơn đau nửa đầu.
  • Đau đầu khớp thái dương hàm (Temporomandibular joint headache): là cơn đau âm ỉ bắt đầu từ thái dương và xung quanh khớp thái dương hàm, và có thể giống như đau tai. Rối loạn khớp thái dương hàm có thể gây đau đầu bao gồm thoái hoá cơ, dây chằng và/hoặc xương, chấn thương hoặc trật khớp này. Đau cổ có thể xảy ra do cơ thái dương hàm bị mỏi hoặc yếu. Nhai và/hoặc nghiến răng không chủ ý (chứng nghiến răng) dẫn đến mỏi và căng cứng cơ, gây đau nhức mặt và cổ. Người bệnh thường không nhận biết về tình trạng này vì chứng nghiến răng có thể xảy ra trong giấc ngủ.
  • Đau nửa đầu liên tục (Hemicrania continua): chứng đau đầu nguyên phát không rõ nguồn gốc, đặc trưng bởi cơn đau đầu liên tục một bên với cường độ vừa phải. Tình trạng này cũng biểu hiện những đợt cấp với cường độ nghiêm trọng, trong đó cơn đau lan sang các vùng khác bao gồm cổ, vai và vùng quanh tai. Chứng đau đầu này có thể được nhận biết thông qua hàng loạt các biểu hiện kèm theo cơn đau như: mắt đỏ hoặc chảy nước mắt, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mí mắt chảy xệ, đau tồi tệ hơn khi hoạt động thể chất hoặc uống rượu, buồn nôn và nôn…
  

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐAU CỔ VÀ ĐAU ĐẦU:
Từ thông tin về đặc điểm của cơn đau, khám thực thể và các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ Nội Thần Kinh đưa ra chẩn đoán chính xác về loại đau đầu. Cũng có thể hai cơn đau đầu xảy ra cùng lúc.
  • Điều trị đau đầu nguyên phát bao gồm thuốc giảm đau tức thời (thuốc cắt cơn) và giảm đau lâu dài (thuốc ngăn ngừa các cơn đau đầu trong tương lai).
  • Điều trị đau đầu thứ phát tập trung vào nguyên nhân tiềm ẩn để kiểm soát các triệu chứng.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm góp phần giúp giảm khả năng chuyển thành các cơn đau mạn tính, gây khó khăn cho việc điều trị dứt điểm, cũng như góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
 
Nếu có xuất hiện các triệu chứng đau đầu nhiều ngày liên tục, các bạn đừng “lờ đi” mà đó là dấu hiệu cảnh báo các tổn thương khác ở hệ thần kịnh, mạch máu, xương khớp…  hãy đến ngay Bác sĩ chuyên khoa Nội Thần Kinh để được thăm khám và điều trị kịp thời.
----------------------------------------------
Bs. CKI  Lê Thị Huyền Trang
CHUYÊN KHOA NỘI THẦN KINH - COLUMBIA ASIA BÌNH DƯƠNG 

(*) Nguồn hình ảnh:Veritas health