Giải mã cơn đau tim

September 12, 2019

1. CƠN ĐAU TIM LÀ GÌ?
Cơn đau tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng xảy ra khi có sự tắc nghẽn 1 nhánh động mạch (hay còn gọi mạch vành) nuôi dưỡng trái tim bạn. Khi nhồi máu cơ tim xảy ra sẽ tổn thương 1 phần cơ tim do nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn nuôi dưỡng. Thời gian tắc nghẽn mạch vành càng lâu thì cơn đau tim càng nặng.

  
                    Hình ảnh mãng xơ vữa trong lòng mạch vành                                        Hình ảnh mãng xơ vữa bị vỡ và hình thành cục máu đông

Cơn đau tim thường do hậu quả của bệnh tim động mạch vành. Theo thời gian, bệnh mạch vành sẽ tiến triển do lắng đọng của các mãng xơ vữa trên thành mạch vành. Các mãng xơ vữa này vỡ hay nứt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo cục máu đông trong lòng mạch vành và sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lòng mạch vành. Tình trạng tắc nghẽn lòng mạch vành do cục máu đông thường gặp trong hầu hết các cơn đau tim.
 
2. TRIỆU CHỨNG CỦA CƠN ĐAU TIM LÀ GÌ?
Bệnh nhân có cơn đau tim thường sẽ chú ý đến các triệu chứng sau:
  • Cảm giác đau ngực, nặng ngực hay khó chịu ở ngực
  • Cảm giác đau, khó chịu ở các bộ phận của phần trên cơ thể như cánh tay, vai, hàm hay dạ dày
  • Khó thở
  • Buồn nôn, nôn, bỏng rát sau xương ức.
  • Vã mồ hôi hay lạnh, da ẩm ướt
  • Hồi hộp trống ngực
  • Cảm giác choáng váng hay ngất
Nếu bạn nghĩ là bạn đang bị cơn đau tim, nên gọi đến trung tâm cấp cứu 115. Bạn không nên đến bệnh viện bằng những phương tiện riêng của mình.
 
3. BẠN CẦN LÀM NHỮNG XÉT NGHIỆM GÌ ĐỂ CHẨN ĐOÁN CƠN ĐAU TIM?
Khi bạn đã có cơn đau tim, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm sau để giúp chẩn đoán như:
  • Điện tâm đồ: xét nghiệm ghi nhận hoạt động điện của tim bạn.
  • Xét nghiệm máu: trong suốt cơn đau tim, tim bạn sẽ tiết ra những chất hóa học trong máu của bạn. Nếu các chất hóa học hiện diện trong máu của bạn thì chứng minh bạn đang có cơn đau tim đang xuất hiện.
  • Siêu âm tim: kỹ thuật này sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của tim bạn đang hoạt động. Trong cơn đau tim, một phần cơ tim của bạn hoạt động bất thường.
  • Thông tim: bạn sẽ đưa vào phòng thông tim để được bác sĩ đưa các ống thông vào mạch máu ở cánh tay hay vùng bẹn. Sau đó, bác sĩ đưa ống thông đến mạch vành của tim bạn, bơm thuốc cản quang để chụp mạch vành và tìm chỗ mạch vành bị tắc nghẽn do cục máu đông.
 
4. CƠN ĐAU TIM ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Bạn sẽ được đưa đến bệnh viện khi đang có cơn đau tim, bác sĩ và điều dưỡng sẽ thực hiện các biện pháp điều trị như sau:
  • Cung cấp oxy qua mặc nạ hay ống thở oxy vào mũi của bạn.
  • Điều trị với những thuốc giảm đau để giảm bớt đau ngực hay cải thiện tình trạng đau ngực. Bạn cũng cho những thuốc để giúp bạn thư giãn và bớt căng thẳng.
  • Điều trị với những thuốc chống tạo thêm cục máu đông trong lòng mạch vành.
  • Bạn cũng được cho các thuốc có tên là “ức chế beta” để giảm nhu cầu oxy cho cơ tim. Những thuốc này sẽ giúp tránh khỏi những tổn thương cơ tim lan rộng do cơn đau tim xảy ra.
  • Bác sĩ sẽ giúp tái lưu thông lại mạch vành bị tắc nghẽn hoặc bằng thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch hoặc đặt giá đỡ vào chỗ tắc nghẽn mỡ thông lòng mạch.
  • Nếu tổn thương mạch vành của bạn không thể đặt giá đỡ thì bạn sẽ chuyển vào phòng mổ thực hiện phẫu thuật tim hay còn gọi là phẫu thuật bắc cầu (bác sĩ có thể lấy tĩnh mạch hiển ở chân, động mạch quay từ cổ tay, động  mạch vú trong bên trong thành ngực để làm đoạn mạch ghép nối phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp)
 
                                            Kỹ thuật đặt giá đỡ vào lòng mạch vành                                                                                         Phẫu thuật bắc cầu

Bạn có thể nằm tại bệnh viện 3-5 ngày nếu tình trạng tim mạch ổn định và không có biến chứng của cơn đau tim.
 
5. BẠN CẦN LÀM GÌ SAU CƠN ĐAU TIM?
Sau khi có cơn đau tim, bạn cần phải:
  • Sử dụng nhiều thuốc hơn so với trước đây. Những thuốc này sẽ giúp bạn dự phòng cơn đau tim tái phát và giàm nguy cơ đột quỵ hay tử vong do tim mạch. Bạn cần theo dõi những tác dụng phụ của thuốc và sẽ báo cáo cho bác sĩ biết.
  • Điều chỉnh lối sống: tránh những thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ và nhiều đường. Ăn nhiều rau, chất xơ và trái cây.
  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân hay béo phì.
  • Nên tham gia vận động thể lực vừa phải theo khả năng của bạn để giảm các yếu tố nguy cơ cho tim mạch.

Theo bác sĩ Hà Tuấn Khánh – Nội Tim Mạch
Phòng khám Columbia Asia Sài Gòn