Ăn uống ngày Tết như thế nào để luôn mạnh khỏe?

January 21, 2020

Tết đến, xuân về là khoảng thời gian các thành viên gia đình quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc và học tập vất vả, là dịp tất cả mọi người dành thời gian vui chơi, ăn uống, gặp gỡ bạn bè,… Chính vì tâm lí đó mà rất nhiều người thường “Ăn uống thả ga”. Tuy nhiên, ẩn sau những bữa cơm thịnh soạn hay những ly rượu, bia chúc Tết là nguy cơ gây tổn hại sức khoẻ không nhỏ. Vậy chúng ta cần ăn như thế nào trong những ngày vui này để không ảnh hưởng đến sức khoẻ?


Nguồn: Internet
  1. Bánh chưng:
Một trong những món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp tết là bánh chưng. Đây là món ăn chứa rất nhiều dinh dưỡng, được làm từ những nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt… Tuy nhiên nếu ăn nhiều bánh chưng bạn vô tình làm tăng cao đột ngột lượng Cholesterol trong cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ tăng mỡ máu và nguy cơ biến chứng tim mạch cao.
Bạn nên ăn thành nhiều bữa để tránh tình trạng khó tiêu, hạn chế ăn những món ăn khác có chứa tinh bột nếu bạn là một tín đồ của món bánh chưng. Ngoài ra, cần ăn nhiều rau, và hạn chế ăn bánh chưng chiên, rán.
  1. Dưa hành:
Cùng với thịt mỡ, bánh chưng, thì dưa hành là một món ăn thịnh hành trong ngày tết cổ truyền dân tộc Việt. Dưa hành được chế biến bằng cách muối chua theo phương thức lên men vi sinh. Tuy có công dụng giúp kích thích tiêu hoá nhưng dưa hành lại gây hậu quả xấu đối với những người mắc bệnh thận và bệnh tim mạch.
Dưa hành thường chứa nhiều muối. Thận có thể bị quá tải khi lượng muối trong máu tăng cao. Tiêu thụ quá nhiều muối làm huyết áp tăng cao, gây tổn hại tim.
Vì vậy, chúng ta cần hạn chế việc ăn quá nhiều dưa hành trong bữa ăn.
  1. Hạt dưa, hạt bí, bánh mứt, kẹo ngọt:
Mứt được chế biến từ các loại rau, quả, củ như khoai lang, bí đao, cà chua, gừng, hồng, đào… Tuy nhiên, do được bọc nhiều đường nên không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất như là vitamin và khoáng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi. Ngoài ra, bánh mứt, kẹo ngọt chứa nhiều đường nên không tốt cho người thừa cân, béo phì và làm trầm trọng tình trạng đái tháo đường đối với người có tiền sử mắc bệnh này. Hạn chế mua mứt màu sắc sặc rỡ vì nó chứa nhiều phẩm màu, không nên ăn các loại mứt có biểu hiện chảy nước mùi vị khác vì có thể mứt đã bị hư.
Đối với Hạt dưa hạt bí thì cả 2 món này đều chứa hàm lượng cao sắt, magiê và chất béo đơn-đa bão hòa. Ngoài ra, hạt bí có lượng chất xơ khá cao – mỗi 100g hạt bí sẽ chứa 18g chất xơ – trong khi hạt dưa chỉ chứa 2g. Hạt dưa và hạt bí đều có chứa axit béo omega-3 rất tốt cho mắt và não, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vì vậy, bạn có thể ăn ở mức vừa phải để cung cấp đủ xơ và dưỡng chất cần thiết, chúng còn giúp bạn không bị táo bón và ăn uống quá mức nữa đấy.
  1. Chả giò:
Món ăn này được chiên ngập dầu, đồng nghĩa với hàm lượng calo sẽ cực cao. Chỉ khoảng 40g chả giò đã chứa đến gần 200 kcal, 14g chất béo và 400mg natri. Lượng chất béo này nếu tích tụ sẽ làm năng nồng độ cholesterol xấu dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ và mắc các bệnh tim mạch cũng như tiểu đường tuýp 2.
Dùng máy chiên ít dầu/không khí để chế biến chả giò, có thể giúp cắt giảm lượng chất béo chuyển hóa có trong món ăn.
  1. Các món lẩu:
Thông thường, chúng ta sẽ nhúng những lát thịt bò, thịt heo mỏng vào một nồi lẩu sôi ùng ục và kèm vào đó là thịt viên, cá viên cùng những món chế biến sẵn khác được nhúng đầy nước chấm. Tuy nhiên, ăn lẩu như vậy sẽ khiến bạn nạp nhiều chất béo bão hòa và muối vào cơ thể.
Bạn có thể chế biến món lẩu của mình trở nên tốt cho sức khỏe hơn bằng cách dùng các nguyên liệu tự nhiên, nấu nước lèo bằng xương gà, cho thêm nấm và rau củ. Ăn lẩu kèm với thịt nạc, thật nhiều rau và dùng một ít nước chấm nhạt sẽ giúp giảm thiểu lượng muối và chất béo hấp thụ.
Quan trọng nhất là đảm bảo thức ăn được nấu chín. Ngoài ra, bạn lưu ý dùng bộ dụng cụ ăn và dao kéo riêng cho đồ sống và đồ chín để tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn, tránh các tình trạng ngộ độc thực phẩm vào ngày tết.
  1. Nước ngọt:
Phần lớn các loại nước ngọt đều chứa đường tinh chế và có thể chứa đến 32g đường trong một lon nước 330ml. Các loại trà bí đao, trà hoa cúc đóng chai thực chất cũng có thể chứa đến 16g đường, không hoàn toàn tốt cho sức khỏe.
Ngoài đường, nước ngọt còn chứa caffeine – một lon Coca sẽ chứa khoảng 80mg còn trà thì khoảng 50mg caffeine. Bạn lưu ý không nên nạp quá 300mg caffeine mỗi ngày vì hấp thụ quá nhiều, đặc biệt là đối với mẹ bầu, có thể gây sẩy thai hoặc sinh con quá nhẹ cân.
Bạn nên chọn nước lọc để uống. Mỗi ngày bạn nên uống đủ 8–10 ly nước. Nếu vẫn muốn uống một ít nước ngọt cho đúng không khí Tết thì soda ăn kiêng hoặc các loại nước ít đường/không đường sẽ là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.
  1. Món tráng miệng:
Thay vì việc ăn các loại món ngọt để tráng miệng như bánh ngọt, chè…, bạn có thể dùng các loại trái cây tươi để có thể cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khoẻ. Lượng vitamin trong trái cây tươi sẽ hỗ trợ hấp thu chất sắt cho cơ thể. Đồng thời nhờ lượng xơ vốn có, bạn cũng sẽ cải thiện tình trạng táo bón khả quan hơn.
 
Tóm lại để đảm bảo cho một cái Tết vui vẻ mà còn đảm baỏ sức khoẻ bạn nên:
  • Chọn lựa thực đơn lành mạnh, chế biến những món ăn hợp vệ sinh và tốt cho sức khoẻ đặc biệt là tốt cho hệ tim mạch
  • Hạn chế những đồ uống có hại
  • Đảm bảo ổn định giờ giấc sinh hoạt
  • Vận động thường xuyên
  • Đối với những người hiện đang có tiền sử bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, mỡ máu… cần duy trì chế độ tập luyện, lối sống lành mạnh cùng với việc duy trì chế độ điều trị bằng thuốc để đảm bảo sức khoẻ.
 -------------------------
Theo BS Trần Văn Thanh Phong - Chuyên khoa Tim mạch Can thiệp
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương