Són tiểu & Những điều cần biết

August 14, 2020

Són tiểu (tiểu không kiểm soát) là tình trạng phổ biến và thường khiến bạn cảm thấy xấu hổ khi gặp phải. Với mức độ nghiêm trong khác nhau, bệnh có thể chuyển từ nhẹ với việc thỉnh thoảng bị són tiểu đến trường hợp nặng hơn với việc chỉ cần ho hoặc hắt hơi cũng khiến bạn bị són tiểu.
Mặc dù bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên són tiểu không phải là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa. Bạn nên đến gặp Bác sĩ nếu tình trạng tiểu không kiểm soát ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Còn đối với phần lớn mọi người, bạn chỉ cần thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc điều trị cũng giúp làm giảm hoặc chấm dứt tình trạng són tiểu.

1. Triệu chứng
Nhiều người bị són một lượng tiểu từ ít đến trung bình với tần suất từ thỉnh thoảng đến thường xuyên. Són tiểu có những loại:
  • Són tiểu khi tăng áp lực trong bụng: nước tiểu bị rò rỉ khi người bệnh làm bàng quang bị tăng áp lực qua việc hắt hơi, ho, tập thể dục hoặc nâng các vật nặng
  • Són tiểu cấp kỳ: bạn sẽ có cảm giác đột ngột rất muốn đi tiểu và dẫn đến tiểu không tự chủ. Tình trạng trên xảy ra với tần suất khá thường xuyên và cả vào ban đêm. Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này có thể do nhiễm trùng đường tiểu , rối loạn thần kinh hoặc bệnh tiểu đường
  • Són tiểu khi đầy bàng quang: do bàng quang không trống rỗng hoàn toàn nên dẫn đến tình trạng nước tiểu nhỏ giọt thường xuyên hoặc liên tục
  • Són tiểu chức năng: nguyên nhân gây ra do sự suy yếu về tinh thần và thể chất khiến bạn không thể đi vệ sinh kịp thời. Ví dụ: khi bạn bị viêm khớp háng nặng, bạn không thể mở nút quần đủ nhanh để đi vệ sinh
  • Són tiểu hỗn hợp: là tình trạng són tiểu cùng lúc bao gồm tất cả các loại kể trên

Khi nào bạn cần gặp Bác sĩ?
Bạn có thể cảm thấy hơi ngại khi phải trình bày tình trạng són tiểu của mình với Bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bệnh thường xuyên diễn ra gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống thì việc tìm kiếm lời khuyên từ Bác sĩ là một giải pháp sáng suốt. Vì thế, bạn nên đến các cơ sở uy tín để được thăm khám khi:
  • Tình trạng són tiểu ngày càng nghiêm trọng
  • Bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động và sinh hoạt thường ngày
  • Bệnh có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người già khi phải chạy vội vào nhà vệ sinh
 
2. Nguyên nhân
Tiểu không kiểm soát không phải là một bệnh mà là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Nguyên nhân gây nên có thể do lối sống, tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc vấn đề về thể chất. Vì thế, Bác sĩ sẽ cần chẩn đoán đúng lý do vì sao bạn lại bị són tiểu. Tình trạng được chia thành 2 loại với các nguyên nhân tương ứng:

a. Són tiểu tạm thời 
Do một số loại đồ uống, thực phẩm và thuốc có thể kích thích bàng quang và tăng lượng nước tiểu như:
  • Rượu
  • Caffein
  • Đồ uống có ga
  • Chất làm ngọt nhân tạo
  • Sô cô la
  • Ớt
  • Thức ăn có chứa nhiều gia vị, đường hoặc axit. Đặc biệt là trái cây họ cam quýt
  • Thuốc điều trị bệnh tim, huyết áp, thuốc an thần, thuốc giãn cơ
  • Vitamin C liều cao
Ngoài ra, tiểu không kiểm soát cũng có thể do tình trạng bệnh lý dễ điều trị như:
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: gây kích thích bàng quang khiến bạn muốn đi tiểu nhiều hơn và đôi khi không tự chủ
  • Táo bón: vị trí của trực tràng nằm gần bàng quang và có cùng dây thần kinh chi phối. Vì thế, khi táo bón, phân sẽ cứng và nén chặt trong trực tràng khiến dây thần kinh hoạt động quá mức làm cho người bệnh muốn đi tiểu thường xuyên hơn.
b. Són tiểu liên tục
Do các vấn đề hoặc thay đổi thể chất tiềm ẩn như:
  • Thai kỳ: sự thay đổi nội tiết tố và trọng lượng thai nhi tăng lên có thể dẫn đến tiểu không kiểm soát
  • Sinh nở: sinh con qua đường âm đạo có thể làm suy yếu các cơ kiểm soát bàng quang, làm tổn thương dây thần kinh bàng quang và mô nâng đỡ khiến sàn chậu bị sa xuống. Khi bị sa bàng quang, tử cung, trực tràng hoặc ruột non có thể bị đẩy xuống khỏi vị trí bình thường và nhô vào âm đạo gây ra tình trạng són tiểu
  • Tuổi tác: sự lão hóa cơ bàng quang làm giảm khả năng giữ nước tiểu và gây ra các cơn co thắt bàng quang không tự chủ diễn ra thường xuyên
  • Mãn kinh: sau mãn kinh, phụ nữ sản xuất ít estrogen hơn – loại hormone giúp giữ cho niêm mạc bàng quang và niệu đạo khỏe mạnh. Sự suy giảm chất lượng các mô này khiến triệu chứng tiểu không kiểm soát trở nên trầm trọng hơn
  • Cắt tử cung: ở phụ nữ, bàng quang và tử cung được hỗ trợ bởi nhiều cơ và dây chằng giống nhau. Vì thế, bất kỳ các cuộc phẫu thuật nào liên quan đến cơ quan sinh sản của phụ nữ như cắt bỏ tử cung, sẽ gây tổn thương đến cơ sàn chậu dẫn đến tiểu không kiểm soát
  • Phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới lớn tuổii
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Khối u ở bất kỳ nơi nào dọc đường tiết niệu sẽ gây cản trở dòng chảy của nước tiểu cũng gây ra tình trạng són tiểu
  • Sỏi tiết niệu
  • Rối loạn thần kinh thực vật: bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, đột quỵ, u não hoặc chấn thương cột sống có thể gây cản trở các tín hiệu thần kinh đến bàng quang khiến tiểu không tự chủ
3. Yếu tố rủi ro
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng tiểu không kiểm soát bao gồm:
  • Giới tính: phụ nữ có nhiều khả năng bị són tiểu hơn nam giới do phải mang thai, sinh con, mãn kinh và sự khác biệt về cấu trúc giải phẫu. Tuy nhiên, nam giới cũng có thể mắc triệu chứng này nếu đang có vấn đề về tiền liệt tuyến
  • Tuổi tác: tuổi càng cao thì cơ trong bàng quang và niệu đạo bị yếu đi làm giảm khả năng chứa nước tiểu của bàng quang và gây ra tình trạng tiểu không tự chủ
  • Thừa cần: Cân nặng càng tăng thì áp lực lên bàng quang và các cơ xung quang càng lớn sẽ khiến chúng bị yếu đi dẫn đến tình trạng són tiểu khi ho hoặc hắt hơi
  • Hút thuốc lá
  • Bệnh sử gia đình: nếu trong gia đình có thành viên mắc chứng són tiểu thì khả năng bạn bị cao hơn
  • Những bệnh khác: bệnh thần kinh hoặc tiểu đường sẽ làm tăng rủi ro bị són tiểu
  4. Biến chứng
Nếu bị són tiểu mãn tính, bạn có thể sẽ gặp phải các biến chứng:
  • Các vấn đề về da: phát ban, nhiễm trùng và lở loét có thể xảy ra khi da thường xuyên bị ẩm ướt
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
 



5. Phòng ngừa Những việc sau đây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc són tiểu:
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Tập các bài tập sàn chậu
  • Tránh các chất kích thích bàng quang như caffein, rượu và thực phẩm có tính axit
  • Ăn nhiều chất xơ để ngăn ngừa táo bón – một trong những nguyên nhân gây ra tiểu không kiểm soát
  • Không hút thuốc hoặc tìm cách cai thuốc lá
------------------------------
BS CKI Võ Trần Vương Di - Chuyên khoa Tiết Niệu
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương
 
Follow us for latest Health Tips:
Theo dõi chúng tôi để biết các Mẹo Sức khỏe mới nhất: