TIỂU KHÔNG TỰ CHỦ (TIỂU SÓN) – NỖI NIỀM CỦA CÁC CHỊ EM

September 16, 2022

Tiểu không tự chủ (tiểu són) là tình trạng rò rỉ nước tiểu ngoài ý muốn, chủ yếu do sự suy yếu của cơ sàng chậu. Bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới và đa số mọi người đều cảm thấy xấu hổ khi nói mình bị són tiểu. Vì thế rất ít người bệnh tìm đến Bác sĩ, nhưng họ không biết rằng chứng són tiểu có thể được xử lý hiệu quả bằng nhiều biện pháp.

Bệnh có thể chuyển từ nhẹ với việc thỉnh thoảng bị rò rỉ  nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi, đến việc đột ngột mắc tiểu đến nỗi bạn không kịp đến nhà vệ sinh. Những lo lắng do són tiểu gây ra khiến không ít phụ nữ sống kém vui, từ bỏ mốt số hoạt động như quyết định dừng tập thể dục do sợ són tiểu khi vận động, từ chối tham gia những buổi họp mặt hoặc hạn chế di chuyển xa vì cần  sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên.
 
Mặc dù bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên són tiểu không phải là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa. Bạn nên đến gặp Bác sĩ nếu tình trạng tiểu không kiểm soát ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC LOẠI TIỂU KHÔNG TỰ CHỦ
  • Són tiểu do áp lực (stress incontinence): nước tiểu bị rò rỉ vào lúc bàng quang bị tăng áp lực qua việc hắt hơi, ho, tập thể dục hoặc nâng các vật nặng.
  • Són tiểu khi bị tiểu gấp (urge incontinence): bệnh nhân sẽ có cảm giác đột ngột mắc đi tiểu gấp và bị ra nước tiểu trước khi đến nhà vệ sinh. Là do cơ bàng quang co bóp tự động làm cho bệnh nhân có cảm giác đi tiểu gấp, không nhịn được (khác với cảm giác mắc tiểu bình thường nhưng nín quá lâu)
  • Són tiểu vì bàng quang đầy(Overflow incontinence):  khi không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn, dẫn đến tình trạng nước tiểu rò rỉ.
  • Són tiểu chức năng (functional incontinence): nguyên nhân gây ra do sự suy yếu về tinh thần và thể chất khiến bạn không thể đi vệ sinh kịp thời. Ví dụ: khi bạn bị viêm khớp háng nặng, bạn không thể mở nút quần đủ nhanh để đi vệ sinh
  • Són tiểu hỗn hợp ( Mixed incontinence): là sự kết hợp của nhiều loại
ĐIỀU TRỊ
Tùy thuộc vào loại  són tiểu, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cơ bản mà có phương pháp điều trị. Để điều trị kịp thời và triệt để, bạn cần gặp Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được tư vấn, chẩn đoán chính xác cũng như đưa ra phác đồ điều trị đúng.
 
Bác sĩ sẽ ưu tiên phương pháp điều trị ít xâm lấn trước và sẽ chuyển sang các lựa chọn khác nếu những kỹ thuật này không đáp ứng.
 
1. Thay đổi hành vi
  • Luyện tập bàng quang: trì hoãn việc đi tiểu sau khi bạn có nhu cầu đi tiểu. Bắt đầu, cố nhịn trong 10 phút mỗi khi cảm thấy muốn đi tiểu. Mục đích là kéo dài thời gian giữa các lần đi vệ sinh cho đến khi bạn chỉ đi tiểu 2,5 đến 3,5 giờ một lần.
  • Đi tiểu hai lần trong thời gian ngắn(double voiding). Đây là kỹ thuật làm rỗng bàng quang hoàn toàn để tránh tình trạng tiểu không kiểm soát. Đi tiểu hai lần có nghĩa là đi tiểu, sau đó đợi một vài phút cố gắng đi tiểu thêm một lần nữa.
  • Đi tiểu theo giờ đính sẵn:  thay vì đợi khi mắc tiểu mới đi, bạn tập đi tiểu mỗi 2- 4 giờ/ lần
  • Kiểm soát chế độ ăn uống. Bạn có thể cần hạn chế hoặc tránh uống rượu, caffein hoặc thực phẩm có tính axit. Giảm tiêu thụ chất lỏng, giảm cân hoặc tăng hoạt động thể chất cũng có thể khắc phục. 
2. Tập cơ sàn chậu- bài tập Kegel ( cho cả Nam và Nữ): tăng cường sự dẻo dai và sức bền cơ sàn chậu, giúp kiểm soát việc đi tiểu. Bạn nên thực hiện các bài tập này thường xuyên. Bạn có thể tìm hiểu bài tập kegel trên internet 


      Tập bài tập Kegel sẽ giúp cải thiện chứng són tiểu   
        

3. Kích thích điện: Các điện cực được đưa vào trực tràng hoặc âm đạo của bệnh nhân để kích thích và tăng cường cơ sàn chậu
 
4. Điều trị bằng thuốc: tùy theo tình trạng của Bệnh nhân mà Bác sĩ kê toa thuốc phù hợp.
 
5. Sử dụng thiết bị y tế ( chỉ dành cho phụ nữ):
  • Dùng vòng nâng âm đạo pessary làm bằng silicone mềm dẻo được đặt vào âm đạo, giúp nâng giữ bàng quang, ngăn chặn rỏ rỉ nước tiểu.
  • Chèn niệu đạo (urethral insert): là thiết bị nhỏ giống như tampon dùng một lần được đưa vào niệu đạo trước khi Chị em vận động như chơi thể thao, có thể gây ra tiểu không kiểm soát. Thiết bị như là nút để ngăn rò rỉ và được lấy ra trước khi đi tiểu.
6. Phẫu thuật: phẫu thuật là một lựa chọn nếu các liệu pháp khác không hiệu quả. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên thảo luận về các lựa chọn phẫu thuật với bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.
 
PHÒNG NGỪA
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa chứng són tiểu, nhưng có một số cách có thể giúp bạn giảm nguy cơ xảy ra:
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Tập các bài tập sàn chậu
  • Tránh các chất kích thích bàng quang như caffein, rượu và thực phẩm có tính axit
  • Ăn nhiều chất xơ để ngăn ngừa táo bón – một trong những nguyên nhân gây ra tiểu không kiểm soát
  • Không hút thuốc hoặc tìm cách cai thuốc lá
Khi són tiểu ( tiểu không kiểm soát) ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, Bạn nên đến Bác sĩ chuyên khoa Tiết Niệu để được điều trị kịp thời và triệt để. Tùy từng tình trạng, nguyên nhân mà bệnh nhân được chỉ định phương pháp điều trị. Tình trạng Tiểu không tự chủ có thể cải thiện và dần lấy lại tự tin cho người bệnh.

---------------------------------------------------------
Chuyên khoa Tiết Niệu – COLUMBIA ASIA VIỆT NAM
Chuyên cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị sâu rộng, hiệu quả cho các vấn đề bệnh lý về niệu khoa với kỹ thuật mới và chuyên môn cao