Phẫu thuật thành công ca biến chứng nặng của u mô đệm đường tiêu hóa (GIST)

June 21, 2021

Biến chứng nặng (hoại tử u, áp-xe và xuất huyết tiêu hóa) của khối u mô đệm đường tiêu hóa là loại bệnh lý ít gặp trong ngoại khoa. Nó thường xuất hiện tại các vị trí của ống tiêu hóa như: dạ dày, ruột non, đại trực tràng . . . Bệnh có khi diễn biến âm thầm khiến nhiều bệnh nhân không thấy bất kỳ triệu chứng nào, cho tới khi bệnh đã trở nên nặng nề, phức tạp và đã có di căn xa.
 
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương vừa qua đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân nam 44 tuổi đến bệnh viện trong tình trạng yếu và có các dấu hiệu sau:
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt.
- Đau bụng quanh rốn.
- Đi cầu phân đen lỏng nhiều lần trong ngày.
 
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy có dấu hiệu thiếu máu và viêm nhiễm nặng. Xét nghiệm phân thấy có máu ẩn trong phân. Hình ảnh CT scan bụng có cản quang cho thấy có 1 khối kích thước rất lớn chứa hơi và dịch, chiếm vùng hạ vị lệch phải, nghi thông với 1 quai ruột non. Nhiều hạch mạc treo ruột non. Lúc này bệnh nhân được chẩn đoán là khối áp-xe túi thừa ruột non gây xuất huyết tiêu hóa.



 




PHẪU THUẬT CẮT BỎ KHỐI ÁP XE THÀNH CÔNG
 
BS CK2 Phạm Ngọc Lai - Trưởng khoa ngoại tổng quát cùng với ê kíp phẫu thuật của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật trong hơn 2 giờ. Khối áp xe rất lớn và được mạc nối cùng các quai ruột đến đắp dính rất chặt, nên rất khó khăn mới gỡ dính và bộc lộ được toàn bộ khối áp-xe này. Khối áp xe thông với 1 quai ruột non và có 1 chỗ dính chặt vào đáy bàng quang. Tìm thấy 1 chỗ bị hoại tử, vỡ mủ rất hôi thối, hút ra nhiều mủ màu trắng, nâu và đen quánh lẫn với máu cục. Cấy mủ làm kháng sinh đồ.
 
Bệnh nhân được tiến hành cắt bỏ toàn bộ khối áp xe sát với chân ruột non và cắt 1 mẫu mô dính chỗ đáy bàng quang gởi tất cả đi xét nghiệm giải phẫu bệnh. Rửa sạch ổ bụng. Kết thúc phẫu thuật: đặt 1 dẫn lưu từ túi cùng ra hông phải. Hậu phẫu diễn tiến thuận lợi và ổn định, nên bệnh nhân được cho xuất viện sau mổ 7 ngày.
 
Kết quả giải phẫu bệnh (sinh thiết) của Khối áp-xe là u mô đệm đường tiêu hóa (GIST: Gastrointestinal Stromal Tumor) của ruột non và hiện diện tế bào u trên mẫu mô dính vào bàng quang. Hóa mô miễn dịch cho kết quả phù hợp u mô đệm đường tiêu hóa nguy cơ cao: CD117 (+) và KI67 là 30%.  

 
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện Ung Bướu Tp. HCM để tiếp tục điều trị bổ túc bằng thuốc trúng đích tế bào dựa theo kết quả của hóa mô miễn dịch. Hiện bệnh nhân đang sử dụng biệt dược GLIVEC 100mg 4 viên / ngày trong thời gian từ 3 đến 5 năm.
 
*LỜI KHUYÊN TỪ BÁC SĨ:
 
1. Giá trị của phát hiện sớm bệnh:
Mặc dầu bệnh nhân đã được phát hiện có khối u trong bụng cách nhập viện 4 tháng, nhưng không chịu phẫu thuật, chỉ muốn uống thuốc tại nhà vì sợ đụng đến dao kéo sẽ làm lây lan ung thư !!.
 
 
Theo BS CK2 Phạm Ngọc Lai cho biết: “Đây là 1 quan niệm hết sức sai lầm và nguy hiểm, cũng từ quan niệm này mà khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nặng nề, tổn thương u đã có biến chứng hoại tử, áp xe, xuất huyết tiêu hóa và có thể đã gieo rắc tế bào ung thư trong ổ bụng ?. Nếu bệnh được phát hiện và xử trí sớm sẽ cho kết quả càng tốt. Khi mà tổn thương ung thư vẫn còn khu trú, việc cắt bỏ toàn bộ khối u đủ rộng cũng đã giải quyết triệt để bệnh rồi”.
 

2. Giá trị của các triệu chứng lâm sàng nhận biết:
Vì khối u mô đệm đường tiêu hóa thường xảy ra ở dạ dày, ruột non, ruột già và triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh thường đa dạng và kín đáo. Một số triệu chứng thường gặp như sau:
- Cảm giác mệt mỏi, nhợt nhạt, suy yếu.
- Rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn.
- Đau lâm râm ở thượng vị, quanh rốn hoặc tưng tức vùng dưới rốn.
- Tiêu phân lỏng, đôi khi phân có màu đen rất nặng mùi (dấu hiệu của xuất huyết tiêu hóa).
- Sờ được 1 khối trong ổ bụng có khi đã không còn sớm nữa rồi.
 
Do đó nếu gia đình có người từng bị ung thư đường tiêu hóa hoặc bệnh nhân có 1 trong những triệu chứng kể trên. Để không xảy ra những biến chứng nặng nề như bệnh nhân này, lời khuyên của bác sĩ dành cho những bệnh nhân như sau:
** Khi thực hiện khám sức khỏe định kỳ, ngoài gói khám theo quy định, bệnh nhân nên yêu cầu khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tầm soát thêm đường tiêu hóa: ngoài siêu âm bụng tổng quát ra, tùy vào vị trí có triệu chứng và thăm khám của bác sĩ chuyên khoa mà có thể thực hiện thêm: CT Scan bụng có tiêm chất cản quang, soi dạ dày hoặc / và soi khung đại tràng.
 
3. Giá trị của hóa mô miễn dịch và thuốc điều trị trúng đích tế bào:
Trước kia khi chưa có thuốc điều trị trúng đích tế bào, sau mổ, nếu phải điều trị bổ túc, bệnh nhân chỉ có thể sử dụng hóa chất toàn thân, liệu trình này đã cho kết quả kém mà còn có nhiều tác dụng phụ nặng nề. Gần đây, nhờ những tiến bộ y học, cùng với kết quả của hóa mô miễn dịch, các bác sĩ đã sử dụng thuốc điều trị trúng đích tế bào 1 cách hiệu quả và an toàn.

--------------------------
Theo BS Phạm Ngọc Lai - Trưởng khoa Ngoại tổng quát 
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương